Chuyện giao thông tạo đà tăng tốc nơi thâm sơn cùng cốc

Quang Minh

Vốn là xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, nhờ những tuyến đường mới, đời sống ở Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đang dần khởi sắc.

Một thuở giao thông cách trở

Những ngày trung tuần tháng 10, PV Báo Giao thông đi trên con đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ để tới một số thôn của xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh nằm tít trong những dãy núi xa.

Dọc đường đi, chỉ tay vào những chiếc xe tải hạng nhỏ chở lâm, nông sản tấp nập ngược xuôi, xa xa là những cánh đồng lúc chín vàng đang chuẩn bị thu hoạch, anh Lê Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An chia sẻ: "Quảng An đang "thay da, đổi thịt" từng ngày là nhờ hệ thống giao thông thuận tiện thế này đấy".


Giao thông được đầu tư đồng bộ đã tạo thế và lực mới để đồng bào các dân tộc xã Quảng An vươn lên làm giàu

Quảng An là xã vùng cao của huyện Đầm Hà, có 90% diện tích đất lâm nghiệp. Xã có 1.438 hộ, 5.231 nhân khẩu với 8 dân tộc anh em sinh sống (Kinh, Tày, Dao, Sán chỉ, Sán Dìu, Hoa, Thổ, Nùng), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 74%.

Là xã có địa hình rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân sinh sống không tập trung, nhiều thôn nằm xa trung tâm lại bị cách trở bởi hệ thống suối lớn vào mùa mưa, nên chỉ cách đây vài năm, đời sống của đồng bào Quảng An còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, đa phần nghèo đói.

"Đường sá nhỏ hẹp, xuống cấp đã cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đây cũng là bài toán khó giải quyết nhất đối với xã Quảng An thời gian trước", anh Thiện nói.

Đường từ trung tâm huyện Đầm Hà lên xã Quảng An vốn một thời nhỏ, hẹp, xuống cấp

Anh Hoàng Văn Thanh, người dân tộc Tày ở thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An kể, trước đây, mỗi khi ra trung tâm huyện, bà con phải đi trên tuyến đường vừa nhỏ, hẹp lại đầy rẫy "ổ gà, ổ voi" và vượt qua một số ngầm tràn nước dâng mênh mông khi có lũ về.

"Nông lâm sản làm ra bán cũng khó vì thương lái phải đi quãng đường xa, khó khăn và tốn kém chi phí xe cộ để vào xã. Chưa kể, đường sá khó đi khiến thời gian vận chuyển lâu cũng làm giảm chất lượng nông sản, giá bán kém hơn, vì thế nhiều nhà bỏ hoang đất không canh tác", anh Thanh nhớ lại.

Giao thông xuống cấp nên giá nông, lâm sản ở Quảng An một thời thấp hơn nhiều so với địa phương khác trong huyện Đầm Hà

Tạo đột phá nhờ giao thông

Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã Quảng An đã bàn bạc, thống nhất tìm hướng từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông.

"Chúng tôi xác định chỉ có mở mang, nâng cấp đường giao thông thì xã mới phát triển được. Muốn làm được điều đó, phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới giao thông từ trung tâm xã đến các thôn. Khi công tác quy hoạch đã hoàn tất, thì triển khai quyết liệt phong trào vận động nhân dân hiến đất, góp sức để làm đường giao thông", ông Thiện cho hay.

Nhiều cán bộ, đảng viên ở xã Quảng An đã tự nguyện hiến đất ở, dỡ công trình để mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã xuống huyện

Quá trình vận động hiến đất làm đường, xã đặc biệt phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Nhờ đó, đến nay, đồng bào các dân tộc ở xã Quảng An đã hiến 41.368m2 đất, trong đó có 12.890m2 đất trồng cây hàng năm, đất lâm nghiệp, 224m2 đất ở và sân bê tông, 912 cây cối các loại, 206m tường bao với tổng số tiền nếu ngân sách phải bỏ để thực đền bù lên tới trên 120,4 tỷ đồng.

Tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn xã Quảng An đều được cứng hóa, bê tông hóa

Tiêu biểu cho tinh thần của đảng viên hiến đất, công trình để làm đường giao thông ở xã Quảng An là gia đình bà Phạm Thị Nhích (thôn Hải An) đã hiến tới gần 100m2 đất ở dù giá đất ở khu vực này lên đến 5-6 triệu đồng/m2; còn số đảng viên tiên phong hiến vài m2 đất ở, vài trăm m2 đất canh tác không đếm xuể.

Mặt bằng có, xã Quảng An đã huy động các nguồn lực để nhanh chóng bê tông hóa, cứng hóa toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn.

Giao thông phát triển, hàng hoá nông lâm sản, vật nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng An đã bán được giá hơn

Hiện nay, xã có 24,5km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 26,03km đường trục thôn và đường liên thôn, 10,7km đường ngõ, xóm và 12,4km đường nội đồng... đã cơ bản được bê tông hóa, cứng hóa.

Không những thế, bà con còn đóng góp 9.306 ngày công để làm công trình giao thông nông thôn, ủng hộ trên 350 bóng đèn để thắp sáng 8,8km đường và ủng hộ hàng ngàn cây xanh, cây cảnh để trồng tại nhiều tuyến giao thông tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp...

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã xuống huyện Đầm Hà đang được đẩy nhanh thi công nhờ sự hiến đất của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Giao thông mở ra đã làm cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc xã Quảng An có những chuyển biến tích cực. Thu nhập toàn xã tính đến thời điểm hiện tại đạt bình quân đầu người 53,97 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo còn 59/1.409 hộ, chiếm 4,2%, toàn xã không còn hộ đói...

Anh Lê Đức Thiện cho biết: Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã lên huyện đang được đầu tư với tổng số vốn trên 34 tỷ đồng. Dự án 3,05km thuộc công trình giao thông cấp III được triển khai trong giai đoạn năm 2021-2022.

"Dự án này đã có gần 100 hộ hiến hàng ngàn m2 đất các loại và công trình để có mặt bằng thi công đảm bảo tiến độ đề ra. Khi đi vào sử dụng con đường này sẽ mở ra một giai đoạn mới để địa phương vươn lên làm giàu, tiến bước cùng khu vực miền xuôi của huyện", anh Thiện phấn khởi cho hay.

Quang Minh

Cùng chuyên mục