Cầu đường giúp phá thế "ốc đảo" của bản người Dao giữa rừng xanh

Quang Minh

Bao đời sống như "ốc đảo" giữa rừng xanh, giờ đây, bản người Dao ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã đổi đời nhờ cầu, đường mới.

Nằm trong khu vực lòng hồ Yên Lập, hơn chục năm trước, thôn Khe Liêu, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh như một “ốc đảo” chốn rừng xanh. Nơi đây, những hộ dân người Dao sống tự cung tự cấp, có người cả đời không ra khỏi thôn cho đến khi có cây cầu, con đường mở lối...

Cây cầu Thủy Văn làm đổi đời người thôn Khe Liêu (TP Hạ Long)

Một thời "ốc đảo" giữa rừng xanh.

Đứng trên cây cầu Khe Liêu bắc qua dòng suối Thủy Văn từ thượng nguồn đổ về hồ Yên Lập, bà Đặng Thị Mơ, người dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Liêu, xã Bằng Cả, TP Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ vào những chiếc xe máy, ô tô tải ngược, xuôi, nhớ lại: "Phá thế “ốc đảo” nơi đây, giúp cuộc sống của bà con “đổi đời” như ngày hôm nay, chính là nhờ chiếc cầu, con đường này".

Bao đời người Dao ở thôn Khe Liêu bị biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài do nước hồ Yên Lập dâng cao

Theo bà Mơ, tên đơn vị hành chính của Khe Liêu là thôn 3, xã Bằng Cả. Nhưng vì khu vực này nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ hẹp, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, nếu đứng từ trên cao nhìn xuống thì nó giống như đáy một chiếc xoong khổng lồ.

Do vậy, từ lâu, đồng bào nơi đây vẫn gọi là Khe Niêu với khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, lâu dần người ta gọi chệch đi thành Khe Liêu.

Những người cao niên ở Khe Liêu truyền tai nhau, tổ tiên của họ vốn ở vùng Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, do gặp sự cố nguy hiểm nên chèo đèo, lội xuống núi bỏ trốn. Tổ tiên của họ đi miết mải đêm ngày đến khu vực này thấy cây cối xanh tươi, nguồn nước trong mát và nghĩ không ai có thể tìm thấy thì bảo nhau dựng lều, dựng lán sinh sống.

Hơn 30 hộ dân người Dao bám trụ nơi này, phụ nữ thì đắp đập, be bờ cấy lúa, trồng ngô, đàn ông thì lên rừng săn bắn, cuộc sống tự cung tự cấp bởi sản phẩm làm ra bán cũng chả ai mua; người trong thôn muốn ra trung tâm xã cũng phải lội suối, trèo đèo, đi bộ vài tiếng đồng hồ.

Giao thông thuận lợi, nông sản của bà con Khe Liêu được tiêu thụ nhanh chóng

"Giao thông cách trở, nên ở đây cứ trồng cây gì thì ăn cây đấy, nuôi con gì thì ăn thực phẩm ấy. Đi ra mua sắm cái gì mất cả buổi đi, về, mà cũng có bán được gì mà có tiền mua? Người ta đồn dân Khe Liêu sống như người tiền sử, cũng vì có mấy người vào tới Khe Liêu? Khoảng gần hai chục năm trước, khu này lại có nạn làm than “thổ phỉ” hoành hành, chỉ có "thổ phỉ" vào đây thôi", bà Lý Thị Sinh, thôn Khe Liêu kể.

Cây cầu nối đôi bờ vui

Trước thực trạng cuộc sống "bế tắc", cô lập như "ốc đảo" của người dân thôn Khe Liêu, chính quyền huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) đã đưa ra giải pháp "mở lối" cho "ốc đảo" này, đó chính là cây cầu bắc qua suối Thủy Văn và hoàn thiện hạ tầng giao thông từ trung tâm xã vào Khe Liêu.

Năm 2011, cầu Khe Liêu được đầu tư xây dựng, đến năm 2014 chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, hệ thống giao thông trục chính cũng được hoàn thiện trong thời gian này.

Diện mạo đời sống người dân Khe Liêu ngày khởi sắc nhờ cầu, nhờ đường

Bà Mơ chia sẻ: Cùng với cầu, đường được làm, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã giao đất, giao rừng và triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con, nên cuộc sống cứ thế khấm khá hơn.

Hiện cả thôn có 63 hộ, 212 nhân khẩu thì còn duy nhất một hộ nghèo. 100% hộ dân được ở nhà kiên cố, mua được ti vi, xe máy cùng nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền…

Chị Lý Thị Sen trong căn nhà đầy đủ tiện nghi

Trong căn nhà mái Thái khang trang mới xây nằm cạnh con đường bê tông chạy vắt qua thôn Khe Liêu, chị Lý Thị Sen đang tỉa lá những cây đào phai bắt đầu chớm nụ ở góc vườn, khoe: "Đào phai này lại là thứ cây để các hộ có thêm nồi bánh chưng, chục cân thịt lợn ngon ăn tết. Mấy cây này của gia đình đã có người ở ngoài phố vào đặt cọc 2 triệu để Tết chặt về…"

Chị Sen kể, trước đây, khi đường sá khó khăn, có hộ trồng tới mấy trăm cây vải, nhưng đến khi thu hoạch, nước dâng cao không mang đi tiêu thụ được cũng đành để rụng đầy gốc. Còn loại đào phai này thì nhà nào cũng trồng đầy ở bờ rào, góc vườn, ai thích chặt trang trí thì chặt.

Gần 20 năm trước, chồng mất sớm để lại ba con nhỏ trong căn chòi rách bìa rừng, chị Sen chẳng biết làm gì ngoài quanh quẩn đánh cá ven lòng hồ Yên Lập. Nhiều lúc túng quẫn, chị Sen đã có ý định lên rừng lấy lá ngón để 4 mẹ con ăn cho hết nợ trần.

Rồi có cầu, có đường, được chính quyền chia đất lâm nghiệp vừa canh tác, vừa khoanh nuôi lại được hỗ trợ vốn chăn nuôi gà, lợn, cuộc sống chị Sen cứ ổn định dần. Nhất là những đứa con đã lớn lên, có đường có cầu thuận lợi đến trường học tập, rồi có nghề để ra trường đi làm kiếm sống.

Hay chị Bàn Thị Nhung nhà nghèo, phải nghỉ học từ lớp 7, suốt ngày lên rừng lấy thuốc, lấy măng phụ bố mẹ nuôi các em.

Kiến thức sống ít ỏi, nên hơn 20 tuổi, khi tình cờ gặp và quen một phụ nữ ở ngoài phố vào chơi, chị Nhung đã bị u mê bởi lời rủ sang Hải Phòng chơi và tìm việc làm. Trốn bố mẹ theo người phụ nữ lạ, chị Nhung đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái.

May mắn, chị Nhung được một cặp vợ chồng già nhận về làm con rồi lấy anh con trai duy nhất của họ. Đến năm 2015, khi đã đẻ cho người chồng 2 gái, 1 trai, chị Nhung xin phép mang đứa con gái về Việt Nam rồi ở lại quê hương.

Cuộc sống của mẹ con chị Nhung ngày càng ổn định nhờ chăn nuôi gà thịt

"Quê nhà có cầu, có đường khác biệt quá, người dân đi ra trung tâm xã, huyện dễ dàng, giới trẻ được ra ngoài học tập, làm việc. Tôi về thôn được hỗ trợ tiền làm nhà, giống chăn nuôi, cuộc sống cứ thế ổn định, mừng lắm", chị Nhung cho hay.

Không chỉ ổn định cuộc sống, nhiều hộ dân Khe Liêu đang làm giàu khá thành công. Như hộ anh Đặng Văn Hiền phát triển mô hình nuôi bò hiệu quả, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng; gia đình anh Lý Văn Thêm, thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng, gia đình luôn duy trì khoảng 50 con lợn...

Theo Trưởng thôn Khe Liêu Đặng Thị Mơ, hiện 60% hộ dân Khe Liêu có nhà mái bằng kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm mạnh, hiện Khe Liêu chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Tới đây, chính quyền địa phương sẽ triển khai xây dựng tiếp cây cầu Thủy Văn nối từ phía Tây Bắc của thôn sang phía trung tâm xã Bằng Cả. Cây cầu này được xây dựng sẽ kết nối toàn bộ khu vực canh tác lâm nghiệp với hệ thống giao thông trục chính, từ đó tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế vườn rừng.

Quang Minh

Cùng chuyên mục