Làm đường xuyên huyện biên giới, người dân, phật tử hưởng lợi

Lê Lối

Nhà thầu đang khẩn trương thi công 3 gói thầu còn lại để nối thông tuyến đường tỉnh 817, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Khi đường tỉnh 817 nối thông sẽ giảm áp lực vận tải trên QL.N2, QL62 đoạn qua địa bàn huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa…

Có đường, người dân, phật tử đi chùa, nhà thờ thuận lợi

Đường tỉnh 817 có chiều dài trên 72km, kết nối QL1A với QL.N2 và QL62, đi quan địa bàn các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường thuộc vùng biên giới tỉnh Long An, giáp với Campuchia.

Tuyến đường có điểm đầu tại xã Hướng Thọ Phú (TP Tân An), điểm cuối xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An), được đầu tư nâng cấp, mở rộng với quy mô đường cấp V đồng bằng.

Đơn vị thi công 674 đang khẩn trương thi công gói thầu 5A trên đường tỉnh 817, đảm bảo tiến độ

Hiện, mặt đường đã được thảm nhựa đoạn qua huyện Thủ Thừa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường trên 50km. Gần 20km còn lại (thuộc 3 gói thầu 5A, 5B, 5C với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng), đang khẩn trương thi công, để đến đầu năm 2023 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Lượng (60 tuổi, ngụ ấp Trà Cú, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, Long An) cho biết, người dân, phật tử ở vùng biên giới chủ yếu làm ruộng, một năm sản xuất 2 vụ lúa. Do địa phương có nhiều kênh, rạch nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản hầu hết bằng đường thủy.

Tuyến đường tỉnh 817, trước đây đường đất, mùa mưa sình lầy, trơn trượt, mùa nắng bụi mịt mù đi lại rất kho khắn, nhất là học sinh. Sau đó được ngân cấp thành đường đá đỏ, từ đó đã cải thiện phần nào trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, phật tử ở đây.

"Nay được Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường, bà con vùng sâu biên giới huyện Thạnh Hóa nói riêng, tỉnh Long An nói chung rất vui mừng, phấn khởi. Từ nay, tôi không còn lo sợ mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt như trước đây, việc vận chuyển hàng hóa chắc chắng được thuận lợi”, ông Lượng chia sẻ.

Bà Trần Thị Loan (ngụ xã Nhơn Xuyên, huyện Thạnh Hóa, Long An, phật tử) cho biết: “Tuyến đường được mở rộng, mặt đường được thảm nhựa, người dân, phật tử, tín đồ… đi chùa lễ phật, nhà thờ để cầu nguyện bằng xe máy, mô tô thuận lợi. Trước đây, khi các tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt đường tỉnh 817 chưa hình thành người dân, phật tử chúng tôi đi chùa, nhà thờ bằng xuồng, ghe rất bất tiện, mất thời gian”.

Đường tỉnh 817, nhiều đoạn đã hoàn thanh, giao thông thuận lợi

Mức sống của người dân dần được nâng cao

Ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, Long An cho biết, huyện Thạnh Hóa là huyện biên giới của tỉnh Long An, có kênh, rạch chằng chịt.

Thời gian qua, được UBND tỉnh quan tâm và sự ủng hộ của người dân, phật tử, huyện Thạnh Hóa đã được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng. Trong đó, có tuyến đường tỉnh 817 đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, mức sống của người dân được cải thiện và nâng cao, nhiều hộ gia đình sắm xe hơi đi lại.

Theo Sở GTVT Long An, khi tuyến đường 817 thông tuyến, ngoài việc phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ dọc 2 bên đường, còn góp phần giảm áp lực vận tải cho QL.N2, QL62 thường xuyên bị ùn tắc giao thông trong dịp lễ, Tết.

Lê Lối

Cùng chuyên mục