Hạ tầng giao thông đổi thay buôn làng, đời sống người dân ấm no

Ngọc Hùng

Hạ tầng giao thông, điện - đường - trường - trạm làm "thay da đổi thịt" đời sống của người dân Tày, Nùng, H'mông ở Đắk Lắk.

Buôn làng đổi thay nhờ điện - đường- trường - trạm

Những ngày này, đến với khu tái định cư số 1 (thôn Yang San, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đi dọc theo trục đường bê tông bố trí ô bàn cờ, hàng trăm căn nhà khang trang đã dựng lên.

Hệ thống nước sạch dẫn đến từng nhà, các công trình trường học, trạm y tế cũng kế cận. Cách nơi ở không xa là cách đồng lúa hơn 400ha được đầu tư hệ thống kênh thủy lợi, dẫn nước đến từng chân ruộng, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Hai bên con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, mọc lên minh chứng cho một buôn làng no ấm. Ảnh: V. C

Với cơ sở hạ tầng điện - đường - trường- trạm được đầu tư khang trang, cuộc sống bà con người đồng bào nơi đây đã “thay da đổi thịt”, không còn cảnh khó khăn như lúc ở lòng hồ Krông Pách Thượng.

Ông Mo Văn Vệ phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày dọn về khu tái định cư ở, cuộc sống của người dân không khác gì ở phố, đường sá được nhà nước đầu tư khang trang, sạch sẽ không còn cảnh sình lầy như trước kia, nhà nhà có điện thắp sáng".

Theo ông Vệ, 20 năm trước ông từ tỉnh Bắc Giang vào thôn 10 (xã Cư San huyện M’Đrắk, khu vực thực hiện dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng) sinh sống. Do di cư bất hợp pháp nên nơi ở cũ, đường sá đi lại lầy lội, khó khăn. Các nhu cầu xã hội, dân sinh không được đáp ứng.

Trường học xa, vì không đủ điều kiện nên con ông cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Khi dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng triển khai, nhà ông nằm trong vùng giải tỏa. Sau đó, ông Vệ cùng gia đình đến Khu tái định cư số 1 sinh sống. Ở nơi mới, đường bê tông xây đến tận ngỏ, nước sạch đến tận nhà, Trạm Y tế, trường học chỉ cách vài bước chân rất khiến cuộc sống của ông Vệ và hàng trăm người dân ở đây đổi thay từng ngày.

Ông Hoàng Văn Đội, trưởng thôn Yang San, cũng là một trong những hộ đầu tiên di cư đến Khu tái định cư số 1 chia sẻ: “Gần 3 năm ổn định ở nơi ở mới, hạ tầng giao thông tạo điều kiện thận lợi cho người dân làm giàu, thoát cảnh nghèo đói. Làm ruộng, làm rẫy máy móc phục vụ tận nơi, mưa không lo lũ lụt, nắng không còn lo hạn hán như trước, đường sá thuận lợi, nông sản làm ra vận chuyển, mua bán dễ dàng nên thu nhập của người dân tốt hơn”.

“Gần 20 năm sống ở lòng hồ, cuộc sống của người dân quá khó khăn, con cái không được ăn học đến nơi đến chốn. Khổ nhất là những khi đau ốm, vì đường sá sình lầy nên việc đi lại chữa trị không được kịp thời, nhớ lại những ngày tháng đó, tôi vẫn ám ảnh”, ông Đội kể

Nhà cửa khang trang, cuộc sống no ấm

Không riêng gì ông Vệ, ông Đội, cuộc sống của hàng trăm hộ dân di chuyển đến nơi ở mới đã ổn định nhà cửa, nhiều nhà đã sắm ô tô. Ở nơi đây, đất ruộng bằng phẳng, thủy lợi đưa nước đến tận chân ruộng. Cày xới, thu hoạch đều dùng máy không phải chân lấm, tay bùn như xưa nữa nên người dân rất phấn khởi, chăm lo làm giàu.

Thoát khỏi cảnh đường sá sinh lầy, thiếu điện thiếu nước sạch cuộc sống của người đồng bào nơi đây ngày một phát triển. Ảnh: V.C

Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, hiện nay đối với địa bàn huyện Ea Kar đã có 76 hộ, huyện M’drắk có 220 hộ dân ở vùng giải tỏa lòng hồ dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng di dời về Khu tái định cư số 1 sinh sống. Về nơi ở mới, chính quyền địa phương tổ chức đón, thành lập các tổ phụ giúp dựng nhà, để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Tất cả các thủ tục hộ khẩu, cấp căn cước công dân cũng được giải quyết kịp thời, trẻ em cũng được hoàn tất hồ sơ để đến trường. Hiện nay, bà con về nơi ở mới, ngoài chế độ hỗ trợ tái định cư của nhà nước, huyện Ea Kar đã lồng ghép các chương trình về khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn bà con sản xuất theo giống lúa mới như: ST24, ST25, HL12, nhằm tăng năng suất cây lúa để bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cũng theo ông Chiến, về nơi ở mới ngoài cơ sở hạ tầng được chính quyền đầu tư theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu nên toàn bộ hệ thống điện - đường - trường - trạm, nước sạch, khu vui chơi thể thao xây dựng rất khang trang, mỗi hộ dân được giao 1.000m2 đất ở và đất vườn và 1ha (trong đó có 5.000m2 lúa nước và 5.000ha đất màu) để có điều kiện sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

"Trước đây, ở lòng hồ cuộc sống của người dân gặp muôn vàng khó khăn, đường sá giao thông đi lại lầy lội, bị chia cắt bởi sông suối, trẻ em không được tới đường. Hạ tầng không có, mỗi khi mùa lũ đế thì ngập trong nước.

Vì vậy, từ ngày về khu tái định cư số 1, đời sống của người dân không ngừng phát triển, nhiều nhà có của ăn của để, trẻ nhỏ được đến trường trong niềm vui sướng, sau hàng chục năm sống ở lòng hồ", ông Chiến chia sẻ

Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng là công trình quốc gia. Dự án triển khai, có hơn 700 hộ dân ở lòng hồ nằm trong vùng giải tỏa, được di dời đến các khu tái định cư.

Hiện khu tái định cư số 1 cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ, ngoài mong đợi của người dân. Hệ thống điện, đường giao thông khang trang nói riêng và tất cả các hệ thống hạ tầng, công trình phúc lợi khác đáp ứng tốt cho cuộc sống người dân. Ngoài Khu tái định cư số 1, hiện nay Ban cũng đang hoàn thiện, cơ sở hạ tầng Khu tái định cư số 2 tại xã Ea Bông (huyện Ea Kar) để sớm di dời người dân ở vùng dự án, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Dự án công trình Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư 4.400 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án nằm trên địa bàn các huyện Ea Kar, M’Đrắk, là công trình trọng điểm Quốc gia mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 14.900 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân, phục vụ chăn nuôi, cắt giảm lũ cho vùng hạ du...

Ngọc Hùng

Cùng chuyên mục